Trang chủ > Bệnh ung thư
Hồi Sinh Từ “Cuộc Chiến Ung Thư”.
Trần Đồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ ‘Cuộc chiến chống ung thư’ với gần 8.000 thành viên ung thư khắp cả nước, trải qua 42 đợt hóa – xạ trị cho căn bệnh ung thư vòm họng di căn của mình, nhưng chị vẫn truyền động lực cho hàng trăm ‘chiến binh’ ung thư.
Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ đã sắp tuổi lục tuần với mái tóc chấm ngang vai đen nhánh, giọng nói sang sảng.
Thấm thoắt đã 5 năm từ ngày vượt qua “cuộc chiến ung thư”, người phụ nữ này vẫn đang từng ngày truyền động lực cho hàng trăm “chiến binh” ung thư hồi sinh từ án tử.
Chị là Trần Đồng (tên thật của chị là Đồng Thị Luyện) bị ung thư vòm họng di căn. Chị Đồng gọi cuộc hành trình chống chọi với ung thư của mình không khác gì một “cuộc chiến”.
Trò chuyện cùng báo chí, chị nói: “Đó là cuộc chiến, mà dù chiến thắng hay thất bại đều để lại những di chứng nặng nề”.
“Kiểu gì tôi cũng về đích”
* Từ lúc nào chị biết mình bị ung thư vòm họng?
– Đó là năm 2013. Ban đầu chỉ là ù tai, đau nửa đầu, các triệu chứng ngày càng trở nặng khiến tôi ho ra máu, nổi hạch từng chùm và quên nhiều hơn. Lúc ấy chồng nghỉ việc, con đi du học buộc tôi lao vào kiếm tiền lo cho gia đình.
Một năm sau đi nội soi, tôi chính thức phát hiện bị ung thư vòm họng giai đoạn 3 (có 4 giai đoạn). Tôi rất sốc.
* Khi bị ung thư nhiều người nghĩ ngay đến cái chết. Nhưng chị lại rất bình tĩnh?
– Đúng thế. Khi có kết quả nội soi, hai bác sĩ mời tôi ra ngoài, đóng cửa trao đổi điều gì đó. Tôi làm liều đẩy cửa vào nói: “Bác sĩ ơi, ung thư giai đoạn cuối rồi hả?”. Cả hai bác sĩ trố mắt hỏi ngược lại: “Chị ơi, sao đến khám trễ quá vậy?”.
Tôi đập tay bác sĩ bảo đừng nói trễ, bởi câu nói này khiến cho bệnh nhân nghĩ rằng họ hết đường sống. Tôi bình thản nói mình đến trễ về trễ, kiểu gì tôi cũng về đích.
Kể từ khi biết mình bị ung thư, tôi chỉ cười và cười dù đôi lúc đau cười không nổi. Nhiều bác sĩ lấy làm ngạc nhiên hỏi: “Chị ơi, vẫn cười được hả chị?”. Tôi bảo nếu khóc mà khỏi bệnh tôi sẽ khóc từ sáng đến tối, nên cứ phải cười, dù tuyệt vọng đến mức nào (cười…).
* Và rồi chị quyết định im lặng…?
– Lúc đó tôi chưa thể nói chuyện này với chồng, bởi ông ấy rất dễ suy sụp, nếu nói ra chắc ông ấy sẽ là người ra đi trước. Tôi có 6 tháng chuẩn bị mọi thứ cho chồng và hai con tự lập.
Tôi bắt đầu dạy chồng con cách nấu các món ăn truyền thống, lau nhà, dùng máy giặt, lò nướng… Rồi đi công chứng hết giấy tờ tài sản, nhà cửa sang tên cho chồng để thuận tiện sau này.
Trước những cơn đau hành hạ, tôi lại lao vào phòng đóng cửa, một mình chịu trận. Đêm đến tôi kể bóng gió về ung thư của người này người kia để tạo tâm lý trước cho chồng nhưng ông ấy chỉ nói: “Ung thư chỉ có chết, chứ sao sống nổi”.
Đến khi chuẩn bị xong mọi thứ, tôi nói thì ông sợ và khóc. Tôi bán hết mọi thứ có thể bán, gom đủ 24 triệu đồng bước vào “cuộc chiến”.
Vui vẻ, sự sống sẽ hồi sinh
* Ít bệnh nhân ung thư dám chọn hóa – xạ đồng thời, bởi đây là phác đồ điều trị rất nặng, có người phải bỏ cuộc giữa chừng…
– Tôi đã bỏ qua “thời gian vàng” điều trị, tình trạng ung thư vòm họng di căn quá nặng không thể mổ. Khi quyết định chọn hóa – xạ đồng thời, bác sĩ trầm ngâm hỏi: “Chị nhắm sao chị?”. Tôi gật đầu nói: “Được”. Tôi tin mình không chết bởi còn nặng gánh nhiều thứ.
Tôi phải nhổ bỏ 9 chiếc răng tránh nhiễm trùng vào tủy, máu và gần như chạy đua với thời gian để tự tay chưng cất dầu dừa xức khi da phỏng cháy, bồ kết gội đầu, khăn mềm lau (phòng khi da lở loét) và trồng rau sạch để ăn.
Hóa – xạ cùng lúc làm tôi mất sức khủng khiếp. Đau đớn, vật vã triền miên khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy kiệt. Không nói, không mở mắt được, tay chân bất động, da dẻ dần bị lở loét – ngay lúc đó tôi chỉ muốn nhắm mắt cho thoát khỏi đau đớn.
Đó là lần đầu tiên tôi xin buông nhưng không dứt được và là lần đầu tiên tôi khóc khi không đủ tiền hóa – xạ.
Thế rồi trải qua 42 đợt hóa – xạ bác sĩ bảo rằng cơ thể tôi đáp ứng thuốc cực kỳ tốt. Tôi mừng như được sinh ra lần thứ hai khi tế bào ung thư bị đẩy lùi. Và bây giờ tôi thấy mình khỏe dữ lắm, năng lượng làm việc vẫn còn rất nhiều.
* Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, đâu là bí quyết giúp chị hồi sinh?
– Chính là tinh thần lạc quan. Trong quá trình hóa – xạ tôi chứng kiến có rất nhiều người muốn bỏ cuộc, họ suốt ngày khóc lóc nghĩ đến cái chết, cáu bẳn với cả bác sĩ.
Ở trại K mệt mỏi, tôi cố pha trò, chọc cho các bệnh nhân cười để vượt qua mỗi khi đau quá.
Rồi cứ mỗi lần vô hóa chất, tôi mang theo một cuốn truyện cười để đọc và một chiếc máy tính bảng làm việc. Bởi vậy, ở khu xạ trị, các bác sĩ, bệnh nhân ung thư chọc tôi là “Âm thanh xuất hiện trước hình ảnh” (cười…).
* Chắc hẳn đã có rất nhiều “chiến binh” hồi sinh nhờ vào tinh thần lạc quan vui vẻ như chị?
– Nhiều chứ. Như cô Hiếu ung thư phổi giai đoạn 4 dù bước sang tuổi 65 nhưng vẫn cười tươi nhí nhảnh. Cô Châu ngoài 60 tuổi bị ung thư di căn vào xương, hôn mê mấy tháng rồi tỉnh táo không cần phải ngồi xe lăn.
Cả cô Dung bị ung thư, từng nằm liệt giường lở loét khắp người nay khỏe hẳn, có thể đồng hành cùng tôi đi nấu món ăn cho “đồng đội”.
Có rất nhiều bạn trẻ chiến thắng ung thư tìm được một nửa hạnh phúc của đời mình, rồi sinh em bé… Chỉ vậy thôi, tôi và đại gia đình “chiến binh” ung thư như tiếp thêm sức sống. Cứ vui vẻ, suy nghĩ tích cực, điều tốt đẹp sẽ tới.
Trả ơn cuộc đời
* Chị là người sáng lập và chủ nhiệm của câu lạc bộ “cuộc chiến chống ung thư” với trang facebook gần 8.000 thành viên. Từ đâu chị có ý tưởng này?
– Đó chính là sự cô đơn vô cùng trong quá trình điều trị ung thư. Tôi không dám và không muốn chia sẻ với bất kỳ ai, kể cả gia đình.
Có một số người quan niệm ung thư là phải chết và họ nghĩ tôi sắp chết. Cho đến khi tôi biết đến trang “chiến thắng ung thư” của một “chiến binh” khác lập nên, tôi mừng rơi nước mắt. Trong cô đơn tuyệt vọng nhất, đó là lúc tôi thấy mình có “đồng đội”.
Lúc đầu tôi lập trang facebook “Những chiến binh kiên cường vòm họng” và đến cuối năm 2016 trang “Cuộc chiến chống ung thư” ra đời với gần 8.000 thành viên, đều là người bệnh và gia đình của người ung thư. Mục đích tạo sân chơi giao lưu chia sẻ và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh ung thư.
Đó có thể chỉ đơn giản là được nhìn thấy nhau, cùng ôm xiết tay nhau hoặc chia sẻ chút đồ ăn vực dậy tinh thần cho “đồng đội”. Đó còn là nơi để “chiến binh” ung thư có thể thoải mái “tự sướng” khoe hình, chia sẻ tin vui, niềm đau trong hành trình chống chọi bệnh tật của chính mình.
* Tại sao chị lại gọi hành trình điều trị ung thư là “cuộc chiến” và người bệnh là “chiến binh”?
– Bởi nó đúng nghĩa là một cuộc chiến thực sự. Ai vượt qua nó đều xứng đáng là “chiến binh”. Dù chiến thắng hay thất bại cũng để lại những di chứng nặng nề và đau đớn. Như tôi chẳng hạn, dù bảo tồn tính mạng nhưng vĩnh viễn mất đi tuyến nước bọt và vị giác.
Ung thư khiến nhiều chị em mất đi thiên chức làm mẹ khi phải cắt bỏ các bộ phận trên cơ thể như vú, buồng trứng, tử cung. Đau xót hơn là sự ra đi của rất nhiều bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, họ chưa biết tới hạnh phúc gia đình hoặc con cái còn quá thơ dại.
* Người bị bệnh ung thư đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về tiền bạc, thuốc men, tinh thần và kể cả cái chết…
– Đúng vậy. Hiện tại bệnh nhân ung thư thiếu thốn đủ điều. Nhưng cái thiếu lớn nhất hiện nay là họ chưa có được hỗ trợ về tinh thần. Nghĩa là tư vấn về tâm lý, tinh thần cho bệnh nhân ung thư.
Mắc ung thư đồng nghĩa với việc công việc, tiền bạc, sự nghiệp danh vọng và thậm chí gia đình đều tiêu tan. Chưa kể phải có thêm một người nghỉ việc theo sát chăm nom.
Tôi thấy hiện có rất nhiều loại thuốc ung thư người bệnh đáp ứng tốt lại nằm ngoài danh mục bảo hiểm, mua ngoài rất đắt đỏ. Đối với người bệnh không có khả năng chi trả họ không thể đi hết liệu trình điều trị. Do đó, cần phải có bảo hiểm để cứu sống họ.
* Hỗ trợ cho hàng ngàn bệnh nhân ung thư như thế gần như chị không có thời gian cho riêng mình…
– Lâu lâu nhớ món rau lang luộc, bí đỏ nấu đậu phộng, cá nấu riêu, sinh tố… bệnh nhân ung thư lại nhớ gọi tôi làm mang đến, tôi vui vì họ ăn ngon lành.
Có bệnh nhân nằm co quắp trên giường, không chịu ăn uống nhưng có tôi động viên họ trở nên tươi tỉnh, có người nửa đêm gọi điện nói “muốn chết” nhưng sau khi bị tôi la mắng lại trở nên “muốn sống”. Nhiều “chiến binh” trước lúc ra đi, tôi đều có mặt để ôm họ một lần cuối.
Một ngày của tôi gần như không có thời gian cho riêng mình. Quả thật nhiều lúc tôi bị quá tải. Nhưng với tôi đó là niềm hạnh phúc để đáp trả lại ân tình nhận được từ bác sĩ, bạn bè và gia đình nhỏ thân yêu.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
AVANTA PHARMA
41/7 Đường số 9, Khu phố 4, Phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
028 2253 9066 - 0938 462 406
Info-CS@avantapharma.com