Trang chủ > Tin tức

Khác biệt giữa 4 loại vắc-xin covid-19 được nhập khẩu về Việt Nam

Trong tình hình diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch COVID-19, chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin COVID-19. Hiện tại, Việt Nam đã đặt mua 124,9 triệu liều vắc-xin từ 5 nguồn. Trong đó, Bộ y tế đã phê duyệt có điều kiện 4 loại vắc-xin COVID-19 gồm AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna và Sputnik V. Những loại vắc xin này có cách thức hoạt động, hiệu quả, tác dụng phụ sau khi tiêm… hoàn toàn khác nhau. Vậy loại vắc xin nào hiệu quả nhất?

Vắc xin Covid-19
Ảnh: VNEpress

Cơ chế sinh miễn dịch của vắc xin COVID-19

Để hiểu được cách thức hoạt động của vắc xin COVID-19, trước tiên cần xem xét cách cơ thể chúng ta chống lại mầm bệnh như thế nào.

Khi virus COVID-19 xâm nhập vào cơ thể bạn, chúng sẽ sinh sôi và tấn công, sự xâm nhập này được gọi là nhiễm trùng. Khi phát hiện tế bào lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ huy động các mô và cơ quan kết hợp chống lại sự nhiễm trùng này. Trong khi máu chứa tế bào hồng cầu mang oxy đến cho các mô và cơ quan thì các tế bào bạch cầu hoặc tế bào miễn dịch sẽ chống lại bất kỳ sự xâm nhập nào. Các loại bạch cầu khác nhau chống nhiễm trùng theo những cách khác nhau:

  • Đại thực bào giữ vai trò nuốt và tiêu hóa vi trùng, các tế bào chết hoặc sắp chết. Các đại thực bào để lại các bộ phận của virus xâm nhập gọi là ‘’kháng nguyên. Cơ thể xác định kháng nguyên và kích thích kháng thể tấn công các kháng nguyên đó.  
  • Tế bào lympho B là tế bào bạch cầu phòng thủ. Chúng tạo ra các kháng thể tấn công các mảnh virus do đại thực bào để lại.
  • Tế bào lympho T là một loại tế bào bạch cầu phòng thủ khác. Chúng tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.
Vắc xin covid-19
Cơ chế tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể con người

Khi một người bị nhiễm virus COVID-19 lần đầu tiên, có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cơ thể tạo ra và sử dụng các công cụ cần thiết chống lại sự nhiễm trùng. Sau khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của người đó sẽ ghi nhớ những gì nó đã học được về cách chống lại ‘’kẻ xâm nhập’’ để bảo vệ cơ thể.

Do đó, nếu một người bị nhiễm cùng một loại virus sau đó, tế bào lympho T được gọi là ‘’ bộ nhớ’’ hoạt động nhanh chóng. Khi các kháng nguyên quen thuộc được phát hiện, các tế bào lympho B sẽ sản xuất kháng thể để tấn công chúng. 

Vắc xin COVID-19 khi được tiêm vào cơ thể giúp phát triển khả năng miễn dịch và phòng ngừa nhiễm virus COVID-19. Các loại vắc xin khác nhau sẽ hoạt động theo những cách khác nhau để bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, tất cả các loại vắc xin đều có điểm chung là giúp cơ thể tạo ra tế bào lympho T “bộ nhớ” cũng như tế bào lympho B ghi nhớ cách chống lại loại virus đó trong tương lai.

Thông thường, phải mất vài tuần sau khi tiêm phòng, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và tế bào lympho B. Do đó, một người được tiêm vắc- xin COVID-19 cũng có thể bị nhiễm bệnh ngay sau đó vì vắc xin chưa đủ thời gian để bảo vệ. Sau khi tiêm chủng, quá trình xây dựng khả năng miễn dịch cũng có thể khiến cơ thể phản ứng và gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt, mệt mỏi. Đây là triệu chứng bình thường và cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch. 

Cách thức hoạt động của các loại vắc-xin COVID-19 trên thế giới

Vắc xin chủng ngừa coronavirus 2019 (COVID-19) có thể ngăn bạn nhiễm bệnh, bị bệnh nặng hoặc tử vong. Một điều thú vị là cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin corona của các hãng dược trên thế giới dựa trên công nghệ sản xuất khác nhau đã tạo nên sự khác biệt giữa các loại vắc-xin. Hiện nay, các loại vắc-xin COVID-19 đều được sản xuất trên dựa trên 3 cơ chế (được FDA Hoa Kỳ chấp thuận):

  • Vắc xin vector

Vắc xin vector được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Khi tiêm vắc xin vector, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên để kích hoạt phản ứng miễn dịch một cách an toàn. Vắc xin vector virus không thể khiến bạn bị nhiễm vi rút COVID-19 hay virus vector. 

Vắc xin Sputnik V và AstraZeneca là vắc xin vector.

  • Vắc xin mRNA

Loại vắc xin này sử dụng mRNA được biến đổi gen để đưa vào cơ thể, ‘’hướng dẫn’’ cho các tế bào trong cơ thể tạo ra protein mới để kích hoạt đáp ứng miễn dịch chống lại protein của virus. Như vậy, sau khi tiêm chủng, các tế bào miễn dịch của bạn vừa tạo kháng nguyên (các mảnh protein của virus) vừa tạo kháng thể và đáp ứng tế bào (đáp ứng miễn dịch chống lại protein virus). Nếu bạn bị virus COVID-19 xâm nhập, các kháng thể này sẽ chống lại chúng. 

Cả vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna COVID-19 đều sử dụng mRNA.

  • Vắc xin tiểu đơn vị protein

Vắc xin tiểu đơn vị  bao gồm các mảnh protein của virus kích thích tốt nhất hệ thống miễn dịch của bạn. Loại vắc-xin COVID-19 này chứa các protein virus vô hại. Một khi hệ thống miễn dịch của bạn nhận ra các protein này là ‘’kẻ xâm nhập’’, nó sẽ tạo ra các kháng thể và các tế bào bạch cầu phòng thủ. Nếu sau đó bạn bị nhiễm virus COVID-19, các kháng thể sẽ chống lại virus.

Novavax đang nghiên cứu vắc xin COVID-19 tiểu đơn vị protein.

Sự khác biệt của 4 loại vắc xin COVID-19 được nhập khẩu về Việt Nam

Bảng dưới đây cung cấp thông tin tổng quan về 4 loại vắc xin được nhập khẩu về Việt Nam, phân loại dựa trên cách thức hoạt động và  hiệu quả của chúng. 

Vắc xin Covid-19
Sự khác biệt của 4 loại vắc xin COVID-19 được nhập khẩu về Việt Nam. Ảnh: VNExpress

Theo phân loại nhóm vắc xin COVID-19 được cấp phép và khuyến nghị sử dụng của CDC- Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, 4 loại vắc xin của các hãng dược thế giới được nhập khẩu về Việt Nam thuộc 2 dạng:

  • Vắc xin mRNA: Vắc xin COVID-19: Pfizer / BioNTech, mRNA-1273  (Moderna).

Vắc xin Pfizer / BioNTech hoặc  mRNA-1273  (Moderna) hoạt động dựa trên cơ chế kích thích tế bào trong hệ miễn dịch tạo ra các mảnh protein đột biến để chống lại protein virus. Cuối cùng các tế bào sẽ phá vỡ mRNA và loại bỏ chúng. 

Các phân tử mRNA rất mỏng và nhanh chóng phân rã ở nhiệt độ phòng, do đó vắc xin Pfizer / BioNTech và Moderna đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện khắt khe. Nhiệt độ bảo quản an toàn cho các loại vắc xin Moderna là -20 độ C và Pfizer / BioNTech là -70 độ C, thời gian sử dụng tối đa 6 tháng. 

  • Vắc xin dựa trên vector virus: Vắc xin Sputnik V và AstraZeneca.

Theo tờ New York Times, vắc xin Sputnik V và AstraZeneca thuộc loại vắc-xin phổ biến nhất và được đánh giá chắc chắn hơn các loại vắc xin sử dụng mRNA. Điều này là do lớp áo protein của virus vector dai hơn, giúp bảo vệ vật chất di truyền bên trong tốt hơn so với lớp mỏng manh mRNA.

Chính vì vậy, hai loại vắc xin Sputnik V và AstraZeneca không cần bảo quản trong điều kiện nhiệt độ khắt khe, chúng được sử dụng ít nhất 6 tháng trong điều kiện nhiệt độ bảo quản từ 2-8 độ C.

Đặc biệt, vắc xin AstraZeneca được sản xuất trên nền tảng công nghệ mới đa năng, cho hiệu suất cao và không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh. Vì vậy đây là loại vắc xin được giới chuyên gia đánh giá phù hợp để sản xuất các vắc xin đối phó với những trận đại dịch bệnh toàn cầu tương tự COVID-19. 

Vắc-xin AstraZeneca
Vắc-xin AstraZeneca

Tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Vắc xin cho phép cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch bằng cách kích hoạt các tế bào lympho T và B, nhận biết loại virus được nhắm mục tiêu và sản xuất kháng thể để chống lại chúng. Khi hệ thống miễn dịch đang phản ứng với vắc xin thì tác dụng phụ xảy ra là điều bình thường. 

Theo nguồn tin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc-xin COVID-19 bao gồm:

  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nhức mỏi cơ thể

Ngoài ra, một số người cũng có thể gặp các tác dụng phụ xung quanh vị trí tiêm như sưng, đỏ, ngứa, phát ban hoặc các dạng kích ứng nhẹ khác. Các tác dụng phụ này xảy ra trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi tiêm vắc xin. Đó cũng là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể bạn đang tạo hàng rào bảo vệ và chúng cũng sẽ biến mất nhanh chóng.

Vậy có nên tiêm vắc xin chủng ngừa COVID-19 không?

Bất kỳ hình thức điều trị y tế nào cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt khi dịch bệnh đang lây lan nhanh ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Do đó, Chính phủ và Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng để hạn chế sự lây lan dịch bệnh COVID-19

Nhưng mọi người cũng lưu ý rằng, tiêm vắc xin không đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn sẽ không mắc bệnh. Do đó, mọi người phải tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung, khoảng cách và khai báo y tế. Bên cạnh đó, hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng đầy đủ; tập thể dục thường xuyên và bổ sung thực phẩm bảo vệ sức khỏe chất lượng cao để nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa nhiễm virus. 

——————————————–

Tài liệu tham khảo: Báo Zing, VNExpress, CDC- Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ 

AVANTA PHARMA

41/7 Đường số 9, Khu phố 4, Phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

028 2253 9066 - 0938 462 406

Info-CS@avantapharma.com

Bài viết liên quan